Thông tư quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

Ngày 22/3/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 02/2021/TT-TTCP quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Thông tư 02/2021/TT-TTCP ban hành nhằm thiết lập khung pháp lý thống nhất về chế độ báo cáo theo hướng đổi mới, đảm bảo hoạt động báo cáo được thực hiện theo nguyên tắc, quy trình, kỳ báo cáo và thời hạn gửi báo cáo thống nhất, đồng bộ; ứng dụng thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo.

Thông tư gồm 03 chương, 11 điều. Một số nội dung đáng chú ý như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh                                                                                              

 Thông tư quy định về chế độ báo cáo, nội dung báo cáo, hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo, trách nhiệm báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Thông tư 02/2021/TT-TTCP áp dụng đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

2. Về nguyên tắc báo cáo

Báo cáo đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời. Đúng quy định của pháp luật về  thanh tra, tiếp công dân, quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

3. Các loại chế độ báo cáo và yêu cầu đối với việc ban hành chế độ báo cáo

 Thông tư 02 quy định có 03 loại chế độ báo cáo, đối với mỗi loại chế độ báo cáo có yêu cầu về hình thức ban hành riêng, cụ thể như sau:

- Chế độ báo cáo định kỳ: Là độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được thực hiện hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm. Báo cáo định kỳ thực hiện theo Điều 4 của Thông tư.

- Báo cáo chuyên đề: Là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về chủ đề thuộc lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định. Báo cáo chuyên đề thực hiện theo Điều 5 của Thông tư.

- Báo cáo đột xuất: Là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo yêu cầu của cấp trên hoặc của Thanh tra Chính phủ. Báo cáo đột xuất thực hiện theo Điều 6 của Thông tư.

 4. Thống nhất thời gian chốt số liệu báo cáo

Điều 7 của Thông tư quy định chi tiết thời gian chốt số liệu báo như sau:

- Báo cáo định kỳ hằng quý I: Từ ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 3 của năm báo cáo.

- Báo cáo Quý II, Quý III, Quý IV:  Từ ngày 15 của tháng cuối quý trước đến ngày 14 của tháng cuối quý báo cáo.

- Báo cáo 6 tháng: Từ  ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 6 của năm báo cáo.

- Báo cáo 9 tháng: Từ  ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 9 của năm báo.

- Báo cáo hằng năm: Từ  ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 của năm báo

Đối với báo cáo chuyên đề, đột xuất: Thời gian chốt số liệu theo yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Chính phủ.

5. Về hình thức báo cáo

Báo cáo được thể hiện bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và được đóng dấu theo quy định.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp ký báo cáo thì thực hiện theo quy định về ký thừa ủy quyền.

Thông tư 02/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/5/2021 và thay thế Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng./.

Nguyễn Hoàng



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập