Luật Thanh tra 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 với nhiều điểm mới đáng chú ý
02/07/2025
Luật Thanh tra số 84/2025/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Luật mới thay thế Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra trong giai đoạn mới.
Ảnh minh hoạ
Một trong những điểm nổi bật của Luật Thanh tra 2025 là bỏ phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, thống nhất khái niệm “thanh tra” để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong áp dụng pháp luật. Đồng thời, Luật cũng tinh gọn tổ chức thanh tra, tập trung ở hai cấp chính: Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; các tổ chức thanh tra chuyên ngành như Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Cơ yếu được quy định cụ thể, loại bỏ các đầu mối trung gian không cần thiết.
Luật bổ sung quy định chi tiết về điều kiện, thời hiệu và quy trình thanh tra lại. Đồng thời, lần đầu tiên quy định bắt buộc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra tại các cấp Trung ương và tỉnh nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác trước khi công bố.
Luật Thanh tra 2025 nhấn mạnh yêu cầu giám sát hoạt động của đoàn thanh tra và đôn đốc thực hiện kết luận, xử lý kiến nghị sau thanh tra. Quy định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân đối với người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn và các thành viên, qua đó siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động thanh tra.
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không phù hợp với Luật Thanh tra 2025 phải được sửa đổi, bổ sung trước ngày 01/3/2027. Những cuộc thanh tra đã được ban hành trước ngày Luật có hiệu lực vẫn được tiếp tục thực hiện theo Luật cũ, trừ trường hợp chưa có kết luận thanh tra thì áp dụng theo quy định mới.
Với nhiều điểm đổi mới mang tính cải cách, Luật Thanh tra 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực giám sát, bảo đảm pháp luật được thực thi minh bạch, hiệu lực và hiệu quả hơn trong hệ thống hành chính Nhà nước./.
Trần Văn Cường