Mười năm thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở ở tỉnh Lào Cai

 

Nhận thức đúng tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở trong quá trình xây dựng xã hội mới, ngay sau khi có Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998, của Bộ Chính trị (khóa VIII) và các Nghị định số 29, 71, 07 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy Lào Cai đã tiến hành triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở theo đúng lộ trình, và sau hơn 10 năm thực hiện, Lào Cai đã thu được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ; đồng thời, nhận thức rõ những vấn đề đang đặt ra hiện nay.

Để thực hiện có hiệu quả Quy chế Dân chủ (QCDC) ở cơ sở, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch số 650-KH/UBND, ngày 12-8-1998, về việc tiến hành triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Năm 2001, thực hiện ý kiến của BCĐ Trung ương, Tỉnh ủy Lào Cai đã kiện toàn BCĐ cấp tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban; đồng thời, chọn 3 đơn vị gồm 1 phường, 1 thị trấn, 1 xã đại diện cho 3 loại hình cơ sở triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm triển khai trong toàn tỉnh. Năm 2003, Tỉnh ủy Lào Cai tiến hành tổng kết 5 năm triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, rút ra một số bài học kinh nghiệm thực hiện những năm tiếp theo.

Hơn mười năm qua, BCĐ cấp tỉnh mở 5 lớp tập huấn, cấp huyện mở 100 lớp cho 7.132 lượt cán bộ tham gia triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. BCĐ cấp tỉnh tổ chức 52 cuộc kiểm tra, giám sát hoạt động ở cấp huyện, thành phố; 100 cuộc hoạt động ở cấp xã, phường, thị trấn; 28 cơ quan hành chính sự nghiệp; 14 đơn vị lực lượng vũ trang; 13 cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước; 10 công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Chỉ đạo các huyện, thành phố, cơ quan đơn vị tự tổ chức kiểm tra... Những việc làm đó đã làm chuyển biến nhận thức và hành động đối với đội ngũ cán bộ trong các cơ quan của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở từng bước đi vào nền nếp và thu được kết quả đáng phấn khởi.

Đối với các cơ sở xã, phường, thị trấn cơ bản đã thực hiện nghiêm túc những nội dung công khai để dân biết như chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các công trình dự án đầu tư trực tiếp cho cơ sở như Chương trình 134, 135, các nguồn vốn nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, các chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, các loại quĩ, các khoản phí, lệ phí, các khoản đóng góp khác. Hình thức công khai vừa qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp thôn, bản, các cuộc tiếp xúc cử tri... một số cơ sở tóm tắt nội dung công khai niêm yết tại công sở, nơi công cộng để dân biết. Một số phường, xã thuộc thành phố Lào Cai tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, tạo điều kiện để người dân hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Hầu hết các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tốt những việc dân được bàn và quyết định trực tiếp như mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông liên thôn, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi liên quan trực tiếp đến người dân... Tạo ra sự đồng thuận, chung sức trong dân. Hơn mười năm qua, nhờ thực hiện tốt nội dung này, tỉnh đã huy động sức dân mở mới và nâng cấp 137 tuyến đường liên thôn, nâng tổng số thôn, bản có đường giao thông lên 1.780, chiếm 80% số thôn, bản trong toàn tỉnh; trong đó, dân đóng góp 9.512.676 ngày công, tương đương 124 tỉ đồng; xây dựng mới 475 nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó 188 nhà được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa, với tổng kinh phí dân đóng góp trên 7,5 tỉ đồng. Các huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai là các đơn vị đi đầu thực hiện tốt các nội dung này.

Nội dung dân bàn, tham gia ý kiến để cấp có thẩm quyền quyết định chủ yếu bao gồm: xây dựng quy ước, hương ước, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố, thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư... được thực hiện qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, họp thôn bản, tổ dân phố hoặc qua hòm thư góp ý. Đến hết năm 2007, hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh đã xây dựng được quy ước, hương ước, 74.912 hộ; 750 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, 75% khu dân cư tiên tiến.

Việc giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Đến nay, 164/164 xã, phường, thị trấn của tỉnh thành lập Ban Thanh tra nhân dân, những xã có công trình, dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc do dân đóng góp đều thành lập được Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Hoạt động giám sát góp phần ngăn ngừa vi phạm, tiêu cực, thậm chí đã phát hiện công trình xây dựng kém hiệu quả, cơ quan chức năng thu hồi vốn đầu tư. Năm 2005, có 147/164 xã, phường, thị trấn thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu.

Khu vực cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến huyện đều bổ sung, hoàn chỉnh qui chế hoạt động, thành lập BCĐ thực hiện QCDC, nhiều đơn vị xây dựng qui định cụ thể việc sử dụng điện thoại, ô tô công, mua sắm tài sản công, quyền hạn chi tiêu tài chính, tiếp khách, tuyển dụng lao động, công chức, điều động, bổ nhiệm cán bộ... đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cấp ủy, gắn thực hiện QCDC với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ năm 2006 phần lớn các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở bố trí phòng tiếp dân, phòng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan trong khối.

 

Khu vực doanh nghiệp đã có sự chuyển biến rõ rệt. 25/25 doanh nghiệp nhà nước đã thành lập BCĐ thực hiện QCDC. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Công đoàn và Ban giám đốc, quy chế hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Thực hiện nghiêm túc 7 việc giám đốc phải công khai, 7 việc người lao động tham gia ý kiến, 4 việc người lao động quyết định, 8 việc người lao động giám sát, kiểm tra. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện công khai chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, định mức khoán, phân chia lợi nhuận, tiền thưởng, quỹ phúc lợi... giúp cho người lao động đồng thuận, yên tâm, tin tưởng, gắn bó với doanh nghiệp. 23/23 công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thành lập BCĐ thực hiện QCDC do bí thư cấp ủy hoặc giám đốc trực tiếp chỉ đạo.

 

    Thu hoạch dứa ở xã Bản Lầu tỉnh Lào Cai

 

 

Đối với lực lượng vũ trang, các đơn vị trong tỉnh đều xây dựng được quy chế hoạt động của Hội đồng quân nhân trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế. Cấp ủy các đơn vị coi trọng việc đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, tăng cường đoàn kết, đấu tranh kiên quyết với những sai phạm, tiêu cực, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Có thể khẳng định, QCDC đã từng bước đi vào cuộc sống, dù ở thành thị hay nông thôn, tỉnh, huyện hay cơ sở, cụm từ “Thực hiện đúng QCDC ở cơ sở” đã trở thành phương châm hành động của đội ngũ cán bộ. Điều đó đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi 7 chương trình, 29 đề án, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra. Kinh tế Lào Cai thời gian qua đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, đạt tốc độ tăng trưởng liên tục trên 10%; thu ngân sách nhà nước năm 2007 đạt trên 1.400 tỉ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2008 tổng sản lượng lương thực đạt 199,7 nghìn tấn; 54% số xã có đường ô-tô rải nhựa đến trung tâm, 86% số thôn bản có đường đi được ô-tô, xe máy; 72% số hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 93% số xã, 70% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 58,8% số trụ sở xã, 25% số trạm y tế xã được xây dựng đạt chuẩn, 68,8% số phòng học được kiên cố hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,01% năm 2005 xuống còn 23,2% năm 2008. Lào Cai đứng thứ tám về chỉ số năng lực cạnh tranh trong 63 tỉnh, thành phố cả nước; đứng thứ nhất trong cụm thi đua các tỉnh miền núi phía Bắc... Lào Cai từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước nay đang từng bước vươn lên trở thành một đầu cầu quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực miền núi phía Bắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện QCDC không tránh khỏi những thiếu sót, khuyết điểm. Tuy nhiên, thành tích đạt được là rất quan trọng. Có được những kết quả cơ bản nêu trên là do các cấp ủy, chính quyền nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đoàn thể, nhất là các cơ quan tham gia BCĐ thực hiện QCDC; vai trò tích cực trong tổ chức thực hiện của Ban Dân vận và Dân tộc, ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình tổ chức thực hiện; đổi mới phong cách của cán bộ, công chức theo chủ trương: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” và “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”.

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa QCDC ở cơ sở, trong điều kiện hiện nay, tiếp tục giải quyết tốt một số vấn đề đang đặt ra sau:

- Tiếp tục nâng cao nhận thức về dân chủ và Pháp lệnh Dân chủ trong các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, coi đây là nội dung quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị.

- Làm rõ thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp.

- Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. 

- Tăng cường tập huấn cán bộ theo dõi thực hiện QCDC, nâng tầm nhận thức, khả năng tổ chức thực hiện, năng lực tổng kết thực tiễn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ./.



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập