Bài: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động Đoàn thanh tra

Hoạt động giám sát đã được quy định trong Luật Thanh tra 2010, Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Thông tư số 05/2014/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn Thanh tra và trình tự thủ tục tiến hành thanh tra. Giám sát hoạt động Đoàn thanh tra là một khâu trong chu trình của hoạt động thanh tra, nhằm theo dõi, nắm bắt thường xuyên, chính xác và khách quan về việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của công chức thanh tra và ý thức kỷ luật của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung đề ra trong quyết định thanh tra.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện hoạt động giám sát Đoàn thanh tra còn có một số tồn tại như: Người ra quyết định thanh tra chưa thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể, không thường xuyên liên tục, chưa phát huy được hiệu quả của hoạt động giám sát dẫn đến tình trạng: thời hạn một số cuộc thanh tra còn kéo dài; việc xây dựng kế hoạch thanh tra ở một số Đoàn còn mang tính hình thức, chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm của cán bộ nên việc lập kế hoạch thanh tra chưa thực sự sát đúng với khả năng thực hiện của cơ quan thanh tra; việc quản lý điều hành hoạt động các Đoàn có lúc, có khi chưa bám sát Đề cương kế hoạch từ đầu đã được phê duyệt; việc phân công giữa các thành viên trong Đoàn thanh tra chưa rõ ràng, cụ thể; việc thực hiện các chế độ báo cáo tiến độ cuộc thanh tra, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh tra chưa kịp thời; tình trạng kéo dài thời gian thanh tra trực tiếp tại đơn vị; xây dựng báo cáo, kết luận còn chậm…

Nhằm nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: 

Thứ nhất: Quán triệt đầy đủ, sâu rộng cơ chế giám sát. Căn cứ vào phạm vi, quy mô, tính chất của nội dung giám sát, người ra quyết định thanh tra quyết định tự giám sát hoặc cử cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý để thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động Đoàn thanh tra.

Trường hợp cử cán bộ, công chức thuộc quyền giám sát hoạt động của Đoàn tra, người ra quyết định cần lựa chọn cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động Đoàn thanh tra phải là người am hiểu về lĩnh vực được thanh tra, pháp luật thanh tra; có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.

Thứ hai: Thực hiện đầy đủ nội dung giám sát. Nội dung giám sát bao gồm: Giám sát việc chấp hành pháp luật của Trưởng Đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra và Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra.

Giám sát việc chấp hành pháp luật của Trưởng Đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra bao gồm:

- Việc thực hiện các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra như: Việc xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, công bố quyết định thanh tra; thu thập, tổng hợp đánh giá thông tin; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, ghi nhật ký Đoàn thanh tra; xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra;

- Việc thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra như: Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và kết quả thực hiện; việc xử lý ý kiến của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra;

- Việc thực hiện các yêu cầu theo quy định của pháp luật đối với Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra như: Quy định về những điều nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra; quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra;

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật khác cơ liên quan đến trách nhiệm của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và hoạt động thanh tra nói chung.

Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra bao gồm:

- Tiến độ, khối lượng công việc và kết quả đã đạt được so với yêu cầu theo quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra;

- Những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong hoạt động thanh tra và tác động đối với việc hoàn thành kế hoạch tiến hành thanh tra;

- Việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn thanh tra và các biện pháp chỉ đạo, điều hành của Trưởng Đoàn thanh tra;

- Việc xử lý ý kiến khác nhau giữa các thành viên Đoàn thanh tra về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra;

- Các nội dung khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, triển khai hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra.

Thứ ba: Xây dựng kế hoạch giám sát hoạt động Đoàn thanh tra cụ thể. Kế hoạch cần nêu rõ mục đích, yêu cầu giám sát, các hoạt động giám sát kèm theo thời gian. Kế hoạch giám sát phải bám sát Đề cương, kế hoạch của Đoàn thanh tra đã được phê duyệt; xây dựng lịch làm việc cụ thể về mặt thời gian để tiến hành giám sát cụ thể đến từng thành viên Đoàn thanh tra.

Thứ tư: Thực hiện giám sát ngay từ khâu lập kế hoạch thanh tra; cần chuẩn hóa trình tự các bước thanh tra và hệ thống các mẫu biểu theo quy trình thanh tra, để đảm bảo Đoàn thanh tra thực hiện đúng, đầy đủ và trình tự công tác thanh tra.

Thứ năm: Quy định cụ thể thời gian thực hiện chế độ báo cáo, thông tin giám sát. Việc giám sát hoạt động thanh tra cần được tổng hợp đánh giá hàng năm, để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn công tác thanh tra.

Thực hiện tốt vai trò giám sát là đảm bảo hoạt động của Đoàn thanh tra thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật của nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có phẩm chất đạo đức cách mạng, là công cụ tin cậy của nhà nước thực sự là “tai mắt của trên, là người bạn của dưới”./.



Phòng Giám sát, thẩm định & XLSTT



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập