Cần có quy định cụ thể về thời gian thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra đã được Thanh tra Chính phủ hướng dẫn tại Thông tư 06/2021/TT-TTCP Quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Qua theo dõi, thời gian, việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra tại tỉnh Lào Cai không có sự cố định, có cuộc chỉ một hai ngày là xong, có cuộc lại kéo dài tới vài tuần. Do đó, cần có quy định cụ thể về thời gian thẩm định. 

Trong thời gian qua nhiều kết luận thanh tra được ban hành nhưng chất lượng chưa cao, chưa có nhiều kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách, mà chủ yếu tập trung vào xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị về kinh tế dẫn tới đối tượng thanh tra còn xem nhẹ, chưa thuyết phục. Vì vậy, việc xem xét, đánh giá nội dung của dự thảo kết luận thanh tra để chỉ ra những điểm bất hợp lý, đưa ra những kiến nghị có cơ sở vững chắc trước khi ban hành kết luận là cần thiết.

Trao đổi nghiệp vụ tại Thanh tra tỉnh Lào Cai

Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra được quy định tại Điều 42, 43, 44, 45 Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Theo đó, khi nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra tổ chức việc thẩm định dự thảo để bảo đảm việc ban hành kết luận chính xác, khách quan.

Trong cơ quan thanh tra có bộ phận thẩm định chuyên trách thì bộ phận này chịu trách nhiệm thực hiện việc thẩm định toàn bộ nội dung dự thảo Kết luận thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra có thể giao cho một hoặc một số công chức trong đó có người thực hiện giám sát thực hiện việc thẩm định một hoặc một số nội dung của dự thảo Kết luận thanh tra, trong đó xác định rõ nội dung và thời hạn thẩm định.

Người thực hiện thẩm định có trách nhiệm tiến hành thẩm định, xây dựng Báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Người ra quyết định thanh tra về Báo cáo kết quả thẩm định. Trong trường hợp cần thiết, Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo việc tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức khác về một hoặc một số nội dung trong dự thảo Kết luận thanh tra.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày Người ra quyết định thanh tra quyết định thực hiện việc thẩm định, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm bàn giao tài liệu phục vụ việc thẩm định gồm: Quyết định thanh tra; Kế hoạch tiến hành thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; Báo cáo kết quả giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Báo cáo, văn bản giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có); Dự thảo Kết luận thanh tra và các biên bản làm việc và thông tin, tài liệu khác có liên quan.

Về tiến hành thẩm định, Thông tư hướng dẫn, sau khi tiếp nhận tài liệu phục vụ việc thẩm định, người thực hiện thẩm định nghiên cứu, xem xét để đưa ra ý kiến đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra; căn cứ pháp luật, thực tiễn, tính khả thi của những kiến nghị; mức độ phù hợp giữa các nội dung về kết quả thanh tra và kết luận, kiến nghị trong dự thảo Kết luận thanh tra và những nội dung khác thấy cần thiết trong dự thảo Kết luận thanh tra.

Trong trường hợp cần thiết, người thực hiện thẩm định làm việc trực tiếp với Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra để làm rõ thêm về nội dung của dự thảo Kết luận thanh tra.

Kết thúc việc thẩm định, người thực hiện thẩm định phải có Báo cáo kết quả thẩm định. Trong trường hợp việc thẩm định được giao cho nhiều người thì mỗi người thực hiện thẩm định phải có Báo cáo kết quả thẩm định về nội dung được giao. Báo cáo kết quả thẩm định được gửi cho Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra để hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra.

Như vậy Thông tư chỉ quy định ‘cứng’ về thời gian bàn giao tài liệu của Trưởng đoàn thanh tra là 3 ngày, không thấy quy định về thời gian tiến hành thẩm định, hạn nộp báo cáo kết quả thẩm định.

Thực tế, tại Thanh tra tỉnh Lào Cai, một số cuộc thanh tra, thời gian thẩm định rất nhanh có khi một đến hai ngày là xong, nhưng cũng có nhiều cuộc thanh tra, thời gian thẩm định kéo dài đến một đến hai tuần, mặc dù cuộc thanh tra đó không phức tạp, không phải cuộc diện rộng. Đa số quy trình thẩm định hồ sơ thanh tra còn sơ sài, chưa chú trọng đến nội dung mà chủ yếu để ý đến trình tự, thủ tục.

Do đó, để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, cần có quy định cụ thể về thời gian thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; trình tự tiến hành thẩm định và các đánh giá, kiến nghị đối với dự thảo kết luận thanh tra; công chức tham gia thẩm định phải có trình độ, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung dự thảo kết luận thanh tra./.

V.H



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập