Giám sát hoạt động đoàn thanh tra đối với công tác thanh tra trong giai đoạn hiện nay

Do vậy công tác thanh tra, kiểm tra cũng đòi hỏi phải có sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý. Đây là đòi hỏi mang tính chất cấp thiết, nhưng sống còn đối với hoạt động thanh tra.

Hoạt động thanh tra ra đời từ rất sớm, cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng 8 thành công và song hành với quá trình quản lý, điều hành của Nhà nước ta, cùng với các hoạt động quản lý nhà nước khác đã đưa đất nước vượt qua thử thách, chông gai, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động thanh tra cũng có nhiều đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu mới của công tác quản lý nhà nước. Hoạt động thanh tra được mở rộng hơn, đa dạng hơn, nhưng qui định chặt chẽ hơn về quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức; pháp luật thanh tra được hoàn thiện theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhiều thiết chế mới về thanh tra được hình thành và áp dụng; tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra lớn mạnh, được qui định chặt chẽ, qua đó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động thanh tra. Mục tiêu hoạt động thanh tra (theo Luật thanh tra năm 2010) xác định nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện đúng qui định của pháp luật. Muốn thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ đó, đòi hỏi những "sản phẩm" của hoạt động thanh tra và ngay trong bản thân hoạt động thanh tra phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, chính xác, khách quan và minh bạch; từ đó kết luận, xử lý về thanh tra được đúng pháp luật khả thi; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra được nâng cao. Để đạt được những yếu tố này đòi hỏi phải thực hiện tổng thể rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, bài viết này xin đề cập đến một nhiệm vụ khá quan trọng là giám sát hoạt động các đoàn thanh tra.

Hoạt động thanh tra tiến hành xem xét, đánh giá, kết luận việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của một lĩnh vực, một ngành, có khi là nhiều lĩnh vực, nên nó được xem xét đánh giá trên kiến thức tổng hợp của ngành, lĩnh vực đó. Mục đích thanh tra là tìm ra cái sai, cái bất hợp lý trong việc thực hiện của đối tượng thanh tra; trong cơ chế chính sách để kịp thời khắc phục, uốn nắn. Khi tiến hành hoạt động thanh tra, ngoài sự phối hợp công tác với nhau, thì việc phát huy năng lực, phẩm chất của cán bộ thanh tra thường mang tính quyết định, nên hoạt động thanh tra thường mang tính độc lập cao. Từ những yếu tố đó, song hành với hoạt động thanh tra thường xuyên xuất hiện những mặt trái, như: hành vi chống đối, thế lực cám dỗ, biểu hiện lộng hành, vi phạm khác. Nên trong hoạt động thanh tra, bên cạnh đòi hỏi bản lĩnh, trách nhiệm người cán bộ thanh tra, rất cần đến sự giám sát của người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động thanh tra và người làm công tác thanh tra.

Giám sát là hoạt động theo dõi, xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đối tượng được giám sát, nhằm kịp thời tác động để đối tượng thực hiện đúng đắn qui định, nhiệm vụ. Giám sát trong hoạt động thanh tra với mục tiêu để các hoạt động thanh tra được thực hiện đúng đắn, đầy đủ hơn, trong đó gồm có 2 ý: Thứ nhất nội dung được thanh tra phải thực hiện đầy đủ và đúng pháp luật, tức là phải xem xét, đánh giá các nội dung thanh tra đầy đủ theo nội dung ghi trong văn bản quyết định thanh tra. Thứ hai là việc tiến hành thực hiện nhiệm vụ thanh tra của các thành viên đoàn thanh tra được xem xét, đánh giá so với qui trình, thủ tục, qui định của pháp luật về thanh tra và pháp luật liên quan, đánh giá những khó khăn gặp phải khi tiến hành thanh tra. Như vậy giám sát đánh giá ở cả 2 mặt gồm bản thân nội bộ hoạt động thanh tra và đánh giá ở nội dung được thanh tra. Nội dung giám sát hoạt động thanh tra thực chất đã có từ lâu, ngay trong nội hàm hoạt động thanh tra. Đó là việc xem xét, đánh giá, chỉ đạo của lãnh đạo thanh tra đối với các hoạt động thanh tra và cán bộ thanh tra thuộc quyền quản lý trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra; Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn thuộc các cơ quan thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra; Đánh giá, nhận xét của cán bộ công chức thanh tra với nhau trong nhận xét, đánh giá thực hiện nhiệm vụ công tác hàng năm…Thực hiện những nội dung thường xuyên đó, đều tác động đến đối tượng được giám sát (cán bộ thanh tra) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, làm cho họ thực hiện nhiệm vụ được đúng đắn hơn. Quá trình phát triển và hoàn thiện chức năng về thanh tra, pháp luật về thanh tra dần đưa ra làm rõ nội dung giám sát, đặc biệt trong các qui định gần đây, chức năng về giám sát hoạt động thanh tra được tách riêng, qui định rõ trong văn bản qui phạm pháp luật và trong tổ chức hệ thống thanh tra Nhà nước từ Trung ương đến các tỉnh đã hình thành tổ chức chuyên biệt trong cơ quan thanh tra để thực hiện nhiệm vụ này (hoạt động giám sát đã có chức năng, có tổ chức riêng).

Về mục đích giám sát hoạt động thanh tra để đánh giá xem việc thực hiện nội dung thanh tra có đầy đủ, đúng pháp luật theo qui định ghi tại quyết định thanh tra. Như ta đã biết thanh tra là một phần của công tác quản lý, nhiệm vụ thanh tra là tìm ra vi phạm, sơ hở trong công tác quản lý để chấn chỉnh. Mục tiêu nhiệm vụ thanh tra để phục vụ đắc lực nhất cho công tác quản lý của nhà quản lý, do đó nội dung cần thanh tra nằm trong nhiệm vụ giao của nhà quản lý cho công tác thanh tra. Hoạt động thanh tra cần tuân thủ đúng nội dung này, không thừa (lạm quyền), không thiếu (bỏ sót, che dấu). Chính vì vậy tuân thủ đúng nội dung được thanh tra trong hoạt động thanh tra cần được quan tâm, giám sát chặt chẽ. Đồng thời giám sát việc tuân thủ các nội dung thanh tra theo qui định, còn phải đánh giá đối với hoạt động thanh tra theo từng nội dung đã ghi có phản ánh đúng tình hình thực tế, thực hiện của đối tượng thanh tra; khó khăn vướng mắc gặp phải trong hoạt động thanh tra.

Về mục đích giám sát hoạt động thanh tra đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động thanh tra của các thành viên đoàn thanh tra, đây là nội dung quan trọng trong công tác giám sát. Thông qua hoạt động giám sát này nhằm xem xét, đánh giá các hoạt động thanh tra có tuân thủ qui định, trình tự, thủ tục theo pháp luật; việc chấp hành qui định và kỷ luật của cán bộ làm công tác thanh tra. Như đã phân tích hoạt động thanh tra nhằm tìm ra sơ hở, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ để uốn nắn, sửa chữa. Do vậy đòi hỏi ở hoạt động thanh tra sự tuân thủ nghiêm các qui định pháp luật; người làm công tác thanh tra cũng phải tuân thủ nghiêm các chuẩn mực pháp luật. Điều này rất quan trọng, quyết định trực tiếp kết quả, chất lượng hoạt động thanh tra, đòi hỏi người làm công tác thanh tra phải tuân thủ đầy đủ qui trình, qui định, pháp luật và kỷ luật. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm cho sự phát triển của ngành thanh tra, rèn luyện giáo dục đội ngũ cán bộ thanh tra và hoạt động thanh tra. Người yêu cầu "Cán bộ thanh tra như cái gương để người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được", qua quá trình xây dựng và phát triển lực lượng thanh tra đến ngày nay, lời huấn thị ấy của Người vẫn còn nguyên giá trị.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò công tác giám sát, những năm qua cùng với nhiệm vụ xây dựng bộ máy quản lý nhà nước mang tính pháp quyền, nhiệm vụ giám sát hoạt động thanh tra từng bước được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật về thanh tra. Qua đó vừa làm sáng tỏ thêm vị trí, vai trò của nhiệm vụ giám sát trong hoạt động thanh tra, vừa bổ sung, làm rõ thêm cách thức thực hiện nhiệm vụ giám sát, khẳng định lại đây là một yêu cầu không thể thiếu đối với hoạt động thanh tra. Nhiệm vụ giám sát trong hoạt động thanh tra đã dần được thể chế hóa tại Quyết định 2861/2008/QĐ-TTCP  ngày 22/12/2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Luật Thanh tra 2010, mới đây nhất là Thông tư 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ; đã hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ giám sát tại Thanh tra Chính phủ và một số tỉnh, thành phố. Nhìn chung khi thể chế về giám sát hình thành đi vào hoạt động thanh tra, đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, cùng với các qui định khác đã cải thiện phần nhiều hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Việc quản lý điều hành công tác thanh tra đi vào hoạt động nhịp nhàng hơn, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Triển khai công tác giám sát có những thuận lợi là: Về tư tưởng, nhận thức đối với nhiệm vụ này được thông suốt trong lãnh đạo và cán bộ, công chức thanh tra; Cán bộ, công chức khi làm nhiệm vụ luôn có ý thức chấp hành các qui trình, qui định, thủ tục và pháp luật trong hoạt động thanh tra, luôn giữ kỷ luật, kỷ cương trong thi hành nhiệm vụ; luôn có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, đúng pháp luật. Từ khi thành lập, các tổ chức giám sát thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên trách, chuyên nghiệp hơn; Các chủ thể trong hoạt động thanh tra đã phối hợp tốt với đơn vị giám sát trong thực hiện nhiệm vụ; Cán bộ, công chức làm công tác giám sát đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong hoạt động chuyên môn, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hơn nữa của hoạt động giám sát. Tuy nhiên về hạn chế, vẫn còn nhận thức về nhiệm vụ giám sát chưa đầy đủ và chưa hoàn toàn thống nhất; Trong hoạt động thanh tra và chấp hành pháp luật vẫn còn tình trạng chấp hành không đầy đủ qui trình, qui định, thủ tục, kỷ luật, chưa chú trọng quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra; Hoạt động giám sát vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, còn e dè, chưa chủ động; Chưa phát huy hết vai trò giám sát của Trưởng đoàn, Trưởng phòng, của phòng ban chuyên môn trong việc cùng giám sát hoạt động đoàn thanh tra và thực hiện nhiệm vụ của cán bộ thanh tra.

Nguyên nhân hạn chế có thể đánh giá bằng 2 nhóm nguyên nhân chính: Thứ nhất là nhóm nguyên nhân cơ chế, chính sách về giám sát vẫn còn thiếu và có nhiều bất cập, ví dụ như hoạt động giám sát đã được luật hóa tại Luật thanh tra 2010, nhưng chậm được hướng dẫn cụ thể hóa, trong khi qui định tại Quyết định 2861/2008/QĐ-TTCP  ngày 22/12/2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ đã có nhiều điểm lỗi thời. Thứ hai là nhóm nguyên nhân chủ quan từ con người, vẫn còn một số cán bộ thanh tra nhận thức vẫn chưa đầy đủ, lệch lạc về nhiệm vụ giám sát, không muốn bị giám sát; đối với người làm nhiệm vụ giám sát thì ngại va chạm, nỗ lực cố gắng chưa cao; đối với người làm công tác thanh tra, còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực hiện đúng các qui trình, thủ tục, qui định của pháp luật trong hoạt động thanh tra, làm ẩu, chưa chấp hành tốt kỷ luật và thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi hoạt động thanh tra.

Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ giám sát trong thời gian tới, qua đó nâng cao một bước chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, thiết nghĩ chúng ta cần làm tốt một số vấn đề sau:

- Về mặt chủ trương, chỉ đạo: Cần tiếp tục lãnh đạo xây dựng hệ thống qui định về giám sát, kiện toàn lực lượng làm nhiệm vụ giám sát, lãnh đạo quản lý sát sao công tác giám sát trong hoạt động thanh tra. Tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động giám sát; tuyên truyền quán triệt chủ trương, pháp luật về giám sát trong cán bộ, công chức thanh tra để tạo sự đồng thuận, nhất quán về ý nghĩa, vai trò nhiệm vụ giám sát.

- Đối với công tác quản lý, điều hành: Tiếp tục hoàn thiện xây dựng qui định, qui trình, qui chế hoạt động cho hoạt động giám sát, sao cho sát thực, hiệu quả. Chỉ đạo sát sao hoạt động giám sát theo hướng tinh gọn, hiệu quả; hoàn thiện mô hình tổ chức giám sát, nhằm đảm bảo được yêu cầu đặt ra ngày càng cao. Thực hiện tổng thể các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các cuộc thanh tra và hoạt động thanh tra. Phát huy tối đa, gắn trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra và trong giám sát. Tăng cường sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giám sát giữa các chủ thể trong hoạt động thanh tra, để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác này. Giải quyết tốt mối quan hệ và những yếu tố phát sinh làm cản trở giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát.

- Đối với tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ giám sát phát huy tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm mỗi cá nhân, trách nhiệm tập thể để có thể đảm đương được nhiệm vụ, giữ vững lập trường, không ngừng học tập và nghiên cứu để nâng cao trình độ phục vụ công tác. Đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trước hết của ngay công việc giám sát.

Đối với Thanh tra tỉnh Lào Cai, từ lâu công tác giám sát hoạt động các đoàn thanh tra được quan tâm và thực hiện ở những mức độ, do những chủ thể khác nhau đảm nhiệm. Từ khi Luật thanh tra 2010 có hiệu lực thi hành, công tác Giám sát được quan tâm hơn, kiện toàn tổ chức và đi vào hoạt động chuyên trách, bước đầu phát huy hiệu quả. Ngày 01/9/2014 Thanh tra tỉnh thành lập phòng giám sát (cùng  ghép nhiệm vụ với thẩm định và xử lý sau thanh tra) nhằm thực hiện chuyên trách nhiệm vụ giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra. Sau khi thành lập, Phòng Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra của Thanh tra tỉnh Lào Cai đã đi vào hoạt động một cách qui củ, bài bản, đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên do mới thành lập và hoạt động; hơn nữa đây là nhiệm vụ mới, do vậy không tránh khỏi những tồn tại hạn chế và gặp phải những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh cần dành nhiều quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để bộ phận giám sát thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời Phòng Giám sát cần phải nỗ lực cố gắng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chức năng của mình, để góp phần cùng Thanh tra tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thanh tra được giao./.




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập