Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm

Thực tế, việc DTHT xuất phát từ nhu cầu của các em học sinh muốn học thêm để củng cổ, nâng cao kiến thức; các bậc cha mẹ muốn con em họ bước vào đời với sự khởi đầu tốt nhất, thông qua con đường học tập. Mong muốn của giáo viên nhằm truyền đạt thêm cho học sinh mình những kiến thức cần thiết nằm ngoài giáo trình, nâng cao chất lượng dạy và học: Đối với học sinh học thêm là nhu cầu chính đáng để củng cổ, bổ sung kiến thức hoặc có điều kiện nâng cao hơn nữa kiến thức và chất lượng học tập. Đối với phụ huynh, với tâm lý làm cha, làm mẹ, ai cũng muốn con mình học tập tiến bộ, nên họ tự nguyện đồng ý, khuyến khích, thậm chí bắt buộc con em phải học thêm; theo đó, cũng là một cách để giúp học sinh sử dụng thời gian rảnh rỗi hiệu quả, tránh va vấp những cám dỗ, tiêu cực bên ngoài cổng trường; còn đối với giáo viên, dạy thêm tích cực sẽ là động lực để giáo viên không ngừng nâng cao trình độ, chất lượng giảng dạy. Nhiều tấm gương của các thầy, cô giáo ở vùng cao, vùng nông thôn đã tình nguyện dạy thêm, phụ đạo cho những học sinh không lấy tiền công. Mặt khác, việc dạy thêm cũng tạo điều kiện để các thầy, cô giáo có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống .

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn có những tồn tại, hạn chế trong DTHT: Một bộ phận giáo viên đã không làm tròn trách nhiệm giảng bài trên lớp, gây sức ép đối với học sinh…để nhằm mở lớp DTHT.­ Không ít bậc phụ huynh xem việc cho con đi học như một hình thức để lấy lòng thầy cô và cũng là để có chỗ quản lý con em mình…Những tiêu cực ấy đã gây ra không ít hệ lụy; DTHT không còn là nhu cầu chính đáng mà đã trở thành việc làm phản giáo dục cần được ngăn chặn và lên án; những hành vi đó đã làm ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ của học sinh về đạo đức của thầy, cô giáo và uy tín của ngành giáo dục. Học thêm quá nhiều, quá tải dẫn đến việc các em không còn thời gian giải trí, chơi thể thao và tham gia các hoạt động ngoại khóa, căng thẳng tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người học và người dạy.

Trước tình hình đó, để tăng cường công tác quản lý về DTHT Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 Quy định về DTHT. Theo đó, ngày 27/12/2012, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 61/2012/QĐ-UBND Quy định về DTHT trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Quyết định 11/2014/QĐ-UBND ngày 07/5/2014 về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 61/2012/QĐ-UBND. Hai văn bản trên ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động DTHT, nhằm phát huy những mặt tích cực, đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh và giáo viên; khắc phục, hạn chế những mặt trái, tiêu cực trong DTHT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Đây là một mục tiêu đúng đắn và phù hợp trong điều kiện thực tiễn ở nước ta nói chung, cũng như trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Lào Cai và Sở GD&ĐT về công tác quản lý, tổ chức DTHT trên địa bàn tỉnh Lào Cai; trong thời gian qua, các Phòng GD&ĐT huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức DTHT trong và ngoài nhà trường; nhờ đó mà các hoạt động DTHT trái quy định cơ bản được chấn chỉnh, nền nếp dạy và học trong các trường học được duy trì đúng quy định, học sinh có thêm thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc học tập các môn năng khiếu theo sở thích cá nhân, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên.

Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra và phản ánh của phụ huynh học sinh, trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thy hoạt động DTHT trái quy định vẫn diễn ra, đặc biệt là biến tướng dưới dạng gia sư nhóm nhỏ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được chấn chỉnh triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục. Cụ thể:  Các cơ sở giáo dục chưa thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình DTHT ngoài nhà trường liên quan đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh thuộc quyền quản lý; việc tuyên truyền, phổ biến, tư vấn cho học sinh và cha mẹ học sinh thực hiện các quy định về DTHT chưa hiệu quả. Các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường chưa thực hiện nghiêm túc quy định DTHT. Một số tổ chức chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác quản lý việc DTHT, đặc biệt là UBND các xã, phường, thị trấn và Hiệu trưởng các trường học.

Để tiếp tục thực hiện đúng quy định về DTHT trên địa bàn tỉnh Lào Cai; giữ vững kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; các cơ quan quản lý giáo dục, chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục cần tăng cường phối hợp, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh Lào Cai về DTHT, chất lượng dạy và học chính khoá, DTHT trong và ngoài nhà trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cũng như những hành vi, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý DTHT. Đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giáo viên, phụ huynh và học sinh… thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý hoạt động DTHT. Tăng cường trách nhiệm của phụ huynh trong việc kiểm soát, đánh giá việc học chính và học thêm của con em mình./.



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập