Sáng ngày 11/7/2025, tại Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì Hội nghị trực tuyết sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Thanh tra.
Dự và chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm ngành Thanh tra tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Sinh, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Đức Minh; tham dự hội nghị còn có các Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Văn phòng, Trưởng phó các phòng nghiệp vụ thuộc Thanh tra tỉnh.
6 tháng đầu năm 2025, ngành Thanh tra tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng chống lãng phí, tiêu cực. Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra khá đồng bộ, toàn diện, đúng và trúng, sát thực tiễn, được Nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và đạt được kết quả rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
PCT UBND tỉnh Nguyễn Thành Sinh và CTT tỉnh Hà Đức Minh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lào Cai (ảnh Báo Lào Cai)
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm toàn ngành đã triển khai thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực. Theo đó, toàn ngành đã triển khai 2.799 cuộc thanh tra hành chính và 39.533 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 129.888 tỷ đồng, 722 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 101.519 tỷ đồng và 617 ha đất; ban hành 31.358 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 1.875 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 671 tập thể; trên 2.500 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra cơ quan điều tra xử lý 118 vụ, 49 đối tượng.
Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp 159.206 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đã xử lý 239.110 đơn, xác định có 203.619 đơn đủ điều kiện xử lý. Cơ quan Nhà nước các cấp đến nay đã giải quyết 12.323 trong tổng 16.125 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 76,4%). Qua đó đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 12,4 tỷ đồng; trả lại cho tổ chức, cá nhân 10 tỷ đồng; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 6 tổ chức, 243 cá nhân; kiến nghị xử lý 224 người (có 202 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 4 vụ, 2 đối tượng (có 1 cán bộ, công chức).
Ngành Thanh tra đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là tiếp tục triển khai “Chiến lược quốc gia Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; công tác kiểm soát tài sản, thu nhập được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Tại hội nghị, các đại biểu tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã thảo luận, đánh giá làm rõ hơn những ưu điểm, kết quả nổi bật, hạn chế, bài học kinh nghiệm và giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ghi nhận những kết quả đạt được của toàn ngành thời gian qua. Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2025; tiếp tục bám sát Định hướng chương trình thanh tra năm 2025, yêu cầu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp và tình hình thực tế để tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành kế hoạch thanh tra điều chỉnh sau sắp xếp, sáp nhập và nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao; Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cần tập trung cao độ lực lượng để thực hiện thanh tra chuyên đề các dự án có khó khăn vướng mắc và về phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước; Xây dựng Định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2026 có trọng tâm, trọng điểm; Tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai và xử lý cán bộ vi phạm.
Triển khai hiệu quả Luật Thanh tra sửa đổi năm 2025 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Tích cực đổi mới mạnh mẽ phương pháp, cách làm để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm, nhất là đối với việc chấp hành các quy định của Đoàn thanh tra theo yêu cầu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.. Phối hợp xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai và xử lý cán bộ vi phạm.
Cùng đó, tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 và những quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập./.