Ngày 08/10/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 2077/KH-TTCP về việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân.
Mục đích của việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân nhằm đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, qua đó xác định những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập của Luật và trong việc tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân. Đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác tiếp công dân, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng về công tác tiếp công dân trong tình hình mới.
Yêu cầu việc tổng kết Luật Tiếp công dân phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng Bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời phải đánh giá đúng thực trạng, kết quả công tác tiếp công dân được tổng hợp báo cáo từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo số liệu cụ thể; chú trọng phân tích làm rõ những điểm bất cập, khó khăn,vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cụ thể trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân.
Lãnh đạo UBND tỉnh đối thoại với công dân
Việc tổng kết tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, kết quả công tác tiếp công dân tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân; tình hình, kết quả tiếp công dân.
Thứ hai, kết quả thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân tập trung vào việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trách nhiệm của người tiếp công dân; việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân; việc tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; việc tổ chức tiếp công dân tại địa điếm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoạt động tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân; đánh giá chung về công tác tiếp công dân.
Thứ ba, đánh giá các quy định của pháp luật về tiếp công dân, đánh giá về ưu điểm; tồn tại, hạn chế.
Thứ tư, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân trong thời gian tới.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật tiếp công dân trong phạm vi quản lý nhà nước. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ban Dân nguyện thuộc ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân. Gửi báo cáo kết quả đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân trong phạm vi toàn quốc./.