Tăng cường hiệu quả hoạt động Thanh tra trong tình hình mới

Năm 2010, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tích cực phấn đấu hoàn hành kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2006-2010 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển nhanh và bền vững hơn, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hòa trong thành tích chung của đất nước, ngành Thanh tra tròn 65 năm tuổi. Trải qua 65 năm, ngành Thanh tra luôn không ngừng phấn đấu, giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ là nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ kỷ cương, kỷ luật, xử lý các vi phạm pháp luật, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Công tác thanh tra đã góp phần phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, thông qua đó cũng kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục nhiều bất cập, sơ hở trong thể chế, chính sách hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng đi vào nền nếp, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động quản lý và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết quả công tác thanh tra đã góp phần tăng cường pháp chế, đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật, chống tham nhũng. Hoạt động thanh tra đã góp phần đảm bảo kỷ cương pháp luật, trật tự xã hội, đã đóng góp nhiều kiến nghị với các cấp lãnh đạo góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; hoạt động thanh tra đã gắn với thực hiện chính sách, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu - một trong những nhiệm vụ, nội dung quan trọng, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước và thực hiện cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng.

Qua hơn nửa thế kỷ hoạt động và trưởng thành đã khẳng định: Thanh tra là một chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, là hoạt động tự kiểm tra, xem xét của các cơ quan hành chính nhà nước, được thực hiện bởi chủ thể quản lý có thẩm quyền, nhằm đánh giá ưu khuyết điểm, phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa, xử lý các vi phạm, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Hoạt động quản lý luôn là hoạt động sáng tạo, đổi mới. Vì thế công tác thanh tra, kiểm tra với ý nghĩa là khâu thiết yếu trong hoạt động quản lý đòi hỏi cũng phải được đổi mới không ngừng. Đòi hỏi ấy phải được hiểu toàn diện trên cả phương diện quản lý, điều hành và phương pháp thanh tra cụ thể.

Muốn tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra kinh tế xã hội, Thanh tra cần làm tốt vai trò tham mưu, giúp UBND cùng cấp thực hiện tốt công tác khảo sát, lập kế hoạch thanh tra; bảo đảm hoạt động thanh tra, kiểm tra toàn diện nhưng không bị chồng chéo; mục đích của hoạt động này là tạo điều kiện cho các cơ quan tổ chức và doanh nghiệp hoạt động và phát triển theo đúng hướng, đúng pháp luật. Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra phải lấy pháp luật làm căn cứ để đánh giá tính hợp kiến, hợp pháp, đồng thời phải có quan điểm lịch sử, cụ thể, trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương mà đánh giá đúng mức tính hợp lý trong hoạt động của đối tượng thanh tra, kiểm tra. Kết luận thanh tra, kiểm tra phải thật cụ thể, chính xác, bảo đảm cả tính hợp pháp, hợp lý và có căn cứ thực hiện.

Thanh tra trong hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân là hoạt động xuất phát từ phía công dân. Trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi phải thực hiện quy chế dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân thì công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo càng trở lên quan trọng. Qua hoạt động này các cơ quan có thẩm quyền xác định rõ sai phạm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bị khiếu nại, tố cáo; khẳng định việc khiếu nại, tố cáo đúng, sai trong nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân. Hiệu quả cuối cùng của hoạt động này thể hiện ở lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Để đạt được điều đó, thanh tra các cấp, các ngành phải tham mưu tốt cho thủ trưởng cùng cấp thực hiện nghiêm chỉnh Luật Khiếu nại, tố cáo; phải lấy xuất phát điểm vì quyền lợi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Tuyệt nhiên không được trù dập người khiếu nại, tố cáo, bao che vi phạm cho người bị khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đúng trình tự, thủ tục, phải công khai quá trình giải quyết và kết quả giải quyết.

Muốn nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra phải biết kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động thanh tra, kiểm tra về kinh tế, xã hội với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để thu thập thông tin phục vụ cho việc khảo sát, lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra; kết quả của hoạt động này được sử dụng làm tài liệu cho hoạt động thanh tra, kiểm tra. Biết phối hợp hai khâu công tác này sẽ rút ngắn được thời gian giải quyết và tiết kiệm được nhân lực trong điều kiện tinh giảm biên chế hiện nay.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm, giải quyết kịp thời các bức xúc của nhân dân; góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Đồng thời, qua thực hiện công tác, Thanh tra các cấp, các ngành tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tập trung vào công tác quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật, nhất là trong những lĩnh vực trọng tâm như: Quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thực hiện chính sách xã hội, việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, không để các vụ việc tồn đọng, vượt cấp kéo dài; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa, chú trọng đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý và thu hồi các loại tài sản do vi phạm mà có.

Cuối cùng, muốn nâng cao hiệu quả công tác thanh tra cần tiếp tục tập trung xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh. Hơn lúc nào hết, ngành Thanh tra phải thật sự trong sạch, vững mạnh, Phải luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ thanh tra. Cán bộ thanh tra phải là lực lượng trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, coi trọng công tác xây dựng Đảng, gắn với kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy và đổi mới cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý kinh tế - xã hội tại địa phương.

Với kinh nghiệm của 65 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự chỉ đạo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân, ngành Thanh tra tỉnh Lào Cai nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Xứng đáng là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân và công tác phòng chống tham nhũng, bảo đảm các hoạt động của ngành Thanh tra Lào Cai ngày càng có hiệu lực, hiệu quả cao hơn, đóng góp thiết thực hơn vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới.

  

NGUYỄN VĂN VỊNH
Chủ tịch UBND tỉnh LC

 

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập