Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến tích cực
9 tháng năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nên đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đạt được nhiều kết quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các cơ quan truyền thông trong tỉnh đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ban hành 295 văn bản chỉ đạo, điều hành, yêu cầu các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng. Toàn tỉnh đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các hội nghị, cuộc họp cơ quan, các buổi sinh hoạt tại thôn, tổ dân phố là 1.663 lớp với 116.461 người tham dự; cấp phát 17.258 bộ tài liệu.
Triển khai cuộc thanh tra hành chính gắn với trách nhiệm thủ trưởng về PCTNTC (ảnh minh hoạ)
Trong kỳ báo cáo, các cơ quan, đơn vị đã triển khai 16 cuộc thanh tra hành chính gắn với thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đã ban hành kết luận 13 cuộc. Qua thanh tra, chưa phát hiện tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngoài ra có 66 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Thông qua kiểm tra đã giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, có thái độ xử sự đúng mực trong thi hành nhiệm vụ, công vụ tạo môi trường văn minh, lịch sự trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị triển khai các giải pháp duy trì, cải thiện và nâng cao chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI tỉnh Lào Cai năm 2024 theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và trực tuyến đến cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh với tổng số người tham dự Hội nghị là 680 người tham gia (trực tiếp cấp tỉnh là 230, trực tuyến cấp huyện, xã là 450 người).
Toàn tỉnh có 22 cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định đối với 223 cán bộ, công chức, viên chức. Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, dân chủ, không mất đoàn kết, không làm tăng hoặc giảm biên chế và chưa phát hiện thấy có hiện tượng vì mục đích vụ lợi; trong quá trình thực hiện chuyển đổi đã chú ý đến cơ cấu chuyển đổi, năng lực công tác của người được chuyển đổi, làm tốt công tác tư tưởng và thực hiện đúng quy trình nên không có trường hợp nào chống đối hoặc khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện chuyển đổi; Mặt trận Tổ quốc và HĐND cùng cấp đã thực hiện được vai trò giám sát trong việc triển khai thực hiện.
Tổng số thủ tục hành chính công được áp dụng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh là 1.904 TTHC, trong đó cấp tỉnh: 1.470 TTHC; cấp huyện: 302 TTHC; cấp xã: 132 TTHC. 100% TTHC được cập nhật, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (Cổng Dịch vụ công quốc gia). Toàn tỉnh có 1.797 TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 2801/QĐ-UBND ngày 09/11/2023. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm trên 85% tổng thanh toán chung qua hệ thống ngân hàng. Đến nay các ngân hàng đã lắp đặt máy ATM tại 09/09 huyện, thị xã, thành phố.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đạt được nhiều kết quả rõ rệt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ, có hiệu quả. Các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, vừa để phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý vi phạm; gắn phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và người dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được phát huy./.