Một số nội dung cơ bản của Thông tư số 04/2015/TT-TTCP Quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Thanh tra

Những hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Thu thập, cung cấp, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tiêu hủy trái phép tài liệu, vật mang bí mật nhà nước. Truyền tin mang nội dung bí mật nhà nước qua máy điện thoại, máy phát sóng, điện báo, máy fax, mạng máy tính, internet hoặc các phương tiện truyền tin khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Trao đổi, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài liệu, vật mang bí mật nhà nước hoặc mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước ra nước ngoài khi chưa được phép của người có thẩm quyền. Sao chụp tài liệu mật; ghi âm, ghi hình thông tin, hình ảnh mang nội dung bí mật nhà nước khi chưa được phép của người có thẩm quyền. Lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Sử dụng máy tính hoặc các thiết bị khác có kết nối mạng internet để soạn thảo, đánh máy, lưu giữ thông tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước; cắm thiết bị lưu giữ bí mật nhà nước vào máy tính có kết nối mạng internet.

Đối với bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động thanh tra, thông tin liên lạc và thông tin đại chúng, thì: Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn, các thành viên đoàn thanh tra và những người có liên quan phải tuyệt đối giữ bí mật về mọi thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động thanh tra; không viết bài, không đưa tin bình luận về nội dung các vụ việc đang thanh tra. Trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra phải bảo quản an toàn, bí mật tài liệu, hồ sơ thanh tra. Việc trao đổi, cung cấp tình hình, số liệu thông tin có nội dung bí mật nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2015/TT-TTCP và các quy định pháp luật khác có liên quan. Cơ quan, đơn vị và người thực hiện chỉ được cung cấp theo đúng nội dung được duyệt. Bên nhận thông tin không được làm lộ lọt và không được cung cấp thông tin đã nhận cho người khác. Việc cung cấp thông tin phải được ghi chép thành biên bản để báo cáo với người đã duyệt và nộp lại bộ phận bảo mật của cơ quan, đơn vị. Mọi nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong ngành Thanh tra chuyển nhận bằng các phương tiện thông tin vô tuyến, hữu tuyến điện báo, fax... đều phải thực hiện thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuyệt đối không sử dụng điện rõ nội dung và không được trao đổi nội dung tài liệu mật qua hệ thống điện thoại thông thường. Các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, cơ quan thanh tra nhà nước có nhu cầu sử dụng mật mã riêng phải đảm bảo tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp cần lắp đặt, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc vô tuyến (vô tuyến điện thoại, vô tuyến điện), xây dựng trang tin, thì phải đăng ký và chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2015 và thay thế Quyết định số 1657/2005/QĐ-TTCP ngày 06/9/2005 của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Thanh tra.



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập