Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN 2017, báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Theo đánh giá của UBTP của Quốc hội Báo cáo Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ các mặt công tác PCTN; đã nêu được những ưu điểm, chỉ ra tồn tại hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục.

Năm 2017, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN, đạt được kết quả trên nhiều mặt, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến một số cá nhân vi phạm, đã thi hành kỷ luật, xử lý nghiêm, được dư luận nhân dân đồng tình đánh giá cao.

UBTP của Quốc hội cũng nêu một số kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn; Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo quản lý không đúng quy định; Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 về nội dung “Tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực”.


Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất các ý kiến phát biểu của đại biểu dự họp, báo cáo công phu, đầy đủ, cơ quan cần trình bày báo cáo theo cách có điểm nhấn nổi bật; về đánh giá cần nêu nguyên nhân, vấn đề bất cập trong Luật cần chỉ rõ Luật nào, cơ quan nào lúng túng, phối hợp chưa tốt; vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương chưa làm tốt là địa chỉ nào. Bên cạnh đó, các cơ quan cần công khai báo cáo không để ở chế độ mật; các cơ quan tư pháp cần nghiên cứu đổi mới phương thức báo cáo. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong các báo cáo, tuy nhiên cách thức báo cáo chưa nêu bật được điểm nhấn trong các hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Đồng chí Uông Chu Lưu kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe 12 ý kiến phát biểu,các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình nhất trí với đánh giá của của các cơ quan tư pháp; các đại biểu cũng thống nhất, đánh giá cao Báo cáo đánh giá của UBTP Quốc hội; về cách chuẩn bị báo cáo, các cơ quan phải có 2 báo cáo là báo cáo đầy đủ và báo cáo tóm tắt, báo cáo tóm tắt cần chắt lọc, nêu đánh giá cô đọng những chỉ tiêu, mục tiêu của Quốc hội cũng như cấp, ngành đã làm được gì, chưa làm được gì, nói rõ nguyên nhân, nêu giải pháp, trách nhiệm của đơn vị cá nhân nào phải chỉ rõ địa chỉ. Nội dung báo cáo đã thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp, song các báo cáo bổ sung, thống nhất số liệu nhất là số liệu về phòng, chống tham nhũng; các giải pháp chỉ ra cần bám sát diễn biến tình hình cụ thể, gắn giải pháp với chủ thể để thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu./.

thanhtra.gov.vn


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập