Một số quy định của Công ước Liên hợp quốc về các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng

Ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Xin gới thiệu một số quy định của công công ước Liên hợp quốc về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng:

1. Cơ quan phòng, chống tham nhũng:

Điều 6 và Điều 36 Công ước quy định việc thành lập cơ quan (lực lượng phòng chống tham nhũng chuyên trách) nhằm thực thi, giám sát và phối hợp việc thi hành chính sách và hành động chống tham nhũng. Các quốc gia thành viện cần đảm bảo sự độc lập cần thiết cho cơ quan nói trên, trong đó có việc cung cấp phương tiện vật chất, đội ngũ cán bộ chuyên trách cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ này để họ có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

2. Khu vực công:

 Điều 7, Công ước quy định các quốc gia thành viên Công ước, khi thích hợp và trên cơ sở phù hợp với pháp luật quốc gia, cần nỗ lực ban hành, duy trì và củng cố chế độ tuyển dụng, thuê, sử dụng, đề bạt và hưu trí đối với công chức dựa trên các nguyên tắc hiệu quả, minh bạch và tiêu chí khách quan như khả năng xuất sắc, công minh và năng lực.
           
a. Quy tắc ứng xử:

Trong phòng, chống tham nhũng, việc đảm bảo và tăng cường tính liêm chính, trung thực và trách nhiệm của đội ngũ công chức đóng vai trò rất quan trọng. Các quốc gia thành viên Công ước, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia, cần áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy và bảo đảm việc thực hiện các chức năng công được chính xác, chính trực và đúng đắn. Trong đó việc ban hành và áp dụng những chuẩn mực hoặc quy tắc xử sự đối với công chức được coi là một biện pháp hữu hiệu. Đồng thời để hạn chế xung đột lợi ích và gia tăng khả năng kiểm soát, các quốc gia thành viên cần xem xét áp dụng các biện pháp yêu cầu công chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền những hoạt động, công việc, các khoản đầu tư, tài sản, quà tặng, hoặc các lợi ích khác tiềm ẩn xung đột lợi ích có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng công của công chức đó.

b. Mua sắm công và quản lý tài sản công:

Trên cơ sở nhận thức về tính chất dễ nảy sinh tham nhũng của hoạt động mua sắm công, Khoản 1, Điều 19, Công ước quy định các quốc gia thành viên tiến hành các bước đi cần thiết nhằm xây dựng cơ chế mua sắm công minh bạch, cạnh tranh và tiêu chí khách quan trong khâu ra quyết định, giúp phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.  

c. Báo cáo công khai:

Minh bạch hoá quản lý hành chính nhà nước là một nội dung, yêu cầu quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Điều 10, Công ước quy định mỗi quốc gia thành viên, trên cơ sở phù hợp với pháp luật quốc gia, áp dụng các biện pháp cần thiết để tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý hành chính công, bao gồm tổ chức, quá trình thực hiện chức năng và ra quyết định.

d. Các biện pháp liên quan đến truy tố và xét xử

Xét xử các tội phạm tham nhũng là một biện pháp xử lý tham nhũng hữu hiệu. Bên cạnh đó, hoạt động xét xử còn có tác dụng tích cực trong phòng ngừa. Điều 11, Công ước ghi nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo sự độc lập trong hoạt động xét xử. Trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia, các quốc gia thành viên cần áp dụng các biện pháp tăng cường tính liêm chính và phòng ngừa cơ hội tham nhũng đến với cán bộ toà án, trong đó có thể bao gồm việc ban hành bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ toà án. Những biện pháp có tác dụng tương tự cũng cần được xem xét áp dụng đối với cán bộ của cơ quan công tố.

3. Khu vực tư:

Do tính chất ngày càng nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng của tham nhũng trong khu vực tư, là hệ quả của việc tư nhân hoá mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội…. Công ước đã ghi nhận sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp nhằm phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong khu vực tư và liên quan tới khu vực tư. Điều 12 quy định các quốc gia thành viên Công ước, trên cơ sở luật pháp quốc gia, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư; ban hành các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự có hiệu lực đối với các hành vi vi phạm.

4. Sự tham gia của xã hội:

Xã hội công dân, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng, báo chí là lực lượng quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Sự tham gia chủ động, tích cực của xã hội đã mang lại những kết quả rất tích cực trong thực tế phòng chống tham nhũng. Theo quy định tại Điều 13, Công ước, các quốc gia thành viên cần áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, thúc đẩy sự tham gia của các cá nhân, tổ chức ngoài khu vực công vào công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

5. Các biện pháp chống rửa tiền:

            Chống rửa tiền là một biện pháp phòng ngừa, phát hiện và khắc phục hậu quả tham nhũng một cách hữu hiệu. Công ước dành nhiều điều khoản quy định trực tiếp và gián tiếp các biện pháp mà các quốc gia thành viên cần áp dụng nhằm ngăn ngừa và chống rửa tiền. Điều 14 quy định các biện pháp chống rửa tiền mang tính định hướng và phòng ngừa là chủ yếu. Theo đó, các quốc gia cần thiết lập cơ chế giám sát toàn diện đối với ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng, các cơ quan khác đặc biệt dễ phát sinh rửa tiền, nhằm ngăn chặn, phát hiện mọi hình thức rửa tiền; áp dụng các biện pháp khả thi nhằm kiểm soát, phát hiện việc di chuyển tiền mặt và tài sản qua biên giới nhưng không được gây trở ngại đối với các dòng vốn hợp pháp, có thể bao gồm việc yêu cầu báo cáo về việc chuyển qua biên giới những lượng tiền mặt lớn và vật có giá trị; tăng cường hợp tác nhằm đấu tranh chống rửa tiền.

Văn phòng - Tổng hợp



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập