Chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh
Ngày 10/6/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị:
Một là, Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định, chỉ thị, nghị quyết, kết luận, đề án của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về những điều đảng viên không được làm, về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Hai là, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư đế phát hiện và ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ba là, Ban Cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ủy ban nhân dân tỉnh: Kịp thời cụ thể hóa các quy định của Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp cơ sở. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm phù hợp với văn bản chỉ đạo hiện hành của Đảng và Nhà nước. Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời phát hiện và khắc phục khuyết điểm, vi phạm ngay từ khi mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng, nhất là tại cấp cơ sở. Cương quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực để kịp thời giáo dục, răn đe. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, thống nhất, hiệu quả việc phân cấp, phân quyền. Thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014.
Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN trên địa bàn tỉnh Lào Cai (ảnh minh họa)
Bốn là, Đảng ủy Công an tỉnh, các Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo: Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, chú trọng công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nội chính, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng, tiêu cực; tăng số lượng các phiên tòa xét xử lưu động tại cơ sở để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa. Tăng cường xác định nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh các hành vi vi phạm, tội phạm về tham nhũng, tiêu cực; kịp thời kiến nghị các cơ quan, đơn vị có biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn lãnh đạo, chỉ đạo: Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tăng cường các biện pháp, giải pháp để hội viên, thành viên các tổ chức chính trị - xã hội tích cực, trực tiếp tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực tại cơ sở; động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Sáu là, Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng tham mưu thực hiện hiệu quả các giải pháp lãnh đạo công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở.
Bảy là, Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với việc thực hiện các quy định, chỉ thị, kết luận của Đảng về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình; lên án mạnh mẽ những hành vi tham nhũng, tiêu cực; không bao che, né tránh; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt chú trọng thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lấy phòng ngừa, cảnh báo làm chính, phòng ngừa từ sớm, từ xa. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.
Tăng cường rà soát, khắc phục những sở hở, bất cập trong cơ chế, chính sách. Ban hành các quy trình, quy chế làm việc cụ thể, gắn trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong thực thi công vụ.
Lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm bố trí nguồn lực để cấp cơ sở đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ, nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; bố trí cán bộ ở cơ sở phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp; thực hiện chuyển đổi, sắp xếp vị trí công tác theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, kiên thức pháp luật đê tự nhận diện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, không để cán bộ, đảng viên vi phạm do thiếu hiểu biết.
Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công; các công trình, dự án có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; quản lý tài nguyên, khoáng sản; chế độ chính sách đối với người dân, cộng đồng. Chủ động kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, góp phần răn đe, cảnh tỉnh và giáo dục cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên; kịp thời nắm bắt thông tin, báo cáo về việc cán bộ, đảng viên, công chức bị kiểm tra, điều tra, xác minh, xử lý trách nhiệm do có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan, bảo đảm đồng bộ giữa kỷ luật đảng với xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; giữa trách nhiệm của người trực tiếp có hành vi tham nhũng, tiêu cực với trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện hiệu quả các quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở và các cơ quan, đơn vị trực thuộc; khi phát sinh vụ việc, thông tin, phản ánh về dấu hiệu mất dân chủ, mất đoàn kết, không bảo đảm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cần kịp thời chỉ đạo xem xét, xử lý ngay từ cơ sở. Tập trung giải quyết các vấn đề, vụ việc tôn đọng, phức tạp, kéo dài, không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nhất là giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường công tác phối hợp với ban cán sự, đảng ủy các cơ quan tư pháp trong phát hiện, xử lý, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.