Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Chính phủ báo cáo Tờ trình về dự án Luật phòng, chống tham nhũng; Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Theo đánh giá của UBTP Quốc hội, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để có thêm thông tin phục vụ Quốc hội xem xét, UBTP đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động của việc đưa quy định về giáo dục liêm chính vào giảng dạy trong cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; cung cấp dự thảo văn bản quy định chi tiết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

UBTP cho rằng, dự án Luật PCTN (sửa đổi) rất quan trọng, được nhân dân, báo chí, nhà đầu tư và quốc tế quan tâm. Dự án Luật được Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung toàn diện trong đó có nhiều vấn đề mới, phức tạp. Do đó, nếu trình dự án Luật để Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 02 kỳ họp thì không đủ thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng. UBTP đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật tại 03 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này, sau đó Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 76 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cho ý kiến, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật PCTN rất quan trọng, đây là công cụ pháp lý, là chỗ dựa cho cơ quan bảo vệ pháp luật, cho toàn dân tham gia PCTN hiệu quả.





Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất cần thiết phải sửa đổi luật này và sửa đổi một cách toàn diện. Phạm vi điều chỉnh mở rộng so với luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc mở rộng này phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, khi mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước thì cần đánh giá tác động, tính khả thi để vừa PCTN, vừa không gây khó khăn đối với các hoạt động của chủ thể.Nội dung của luật cơ bản phù hợp với hiến pháp nhưng do luật có nhiều quy định liên quan đến các luật khác như Bộ luật HS, luật báo chí…. nên các quy định còn có chồng chéo trùng lắp, theo đó cần phải rà soát để khắc phục tình trạng này. Phòng ngừa tham nhũng bổ sung nhiều quy định về công khai, minh bạch, những vấn đề này nhiều luật chuyên ngành cũng quy định do vậy cần nghiên cứu tính hợp lý, cho nên cần tập trung công khai, minh bạch vào những hoạt động có nguy cơ tham nhũng.

Việc tặng quà, nhận quà cần quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn để đi vào thực tiễn phù hợp với văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Kiểm soát thu nhập quy định tại điều 40, cách quy định này có thể khắc phục được bất cập hiện nay, bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập song cần cân nhắc tính khả thi. Việc mở rộng đối tượng kê khai, 05 hình thức công khai bản kê khai… là cần thiết xong phải đảm bảo tính khả thi và không vi phạm quyền bảo vệ bí mật về tài sản, quyền hiến pháp quy định. 

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận, Thường vụ Quốc hội khẳng định đây là một dự án luật rất quan trọng, nhưng cũng là một dự án luật khó, phức tạp, việc ban hành luật này là cần thiết để phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong tình hình mới. Thường vụ Quốc hội đều có ý kiến tán thành với mục tiêu, quan điểm sửa đổi, như để khắc phục 8 hạn chế của luật này được nêu trong tờ trình và trong báo cáo thẩm tra của UBTP. 

Về phạm vi điều chỉnh, đây là vấn đề mới, về phía Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị là từng bước nghiên cứu để quy định tham nhũng ở lĩnh vực tư ngoài nhà nước. Song Chính phủ vẫn có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, các cơ quan có sự phối hợp để bảo đảm thống nhất về thông tin, về nhận định tình hình. 

Với tinh thần đó, Thường vụ Quốc hội thống nhất Chính phủ sẽ tiếp thu những ý kiến hôm nay và bổ sung hoàn chỉnh Tờ trình, Dự thảo, bổ sung hồ sơ báo cáo đánh giá tác động, dự thảo Nghị định của Luật và những vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra để hoàn chỉnh lại hồ sơ trình Quốc hội, để Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư. Trong quá trình Quốc hội thảo luận ý kiến và đến khi kết thúc phần thảo luận, dựa vào tình hình cụ thể Quốc hội sẽ xem xét là tại 2 hay 3 kỳ họp./.

thanhtra.gov.vn


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập