Cần có sự thống nhất hơn giữa Luật Khiếu nại và Luật Đất đai

Tranh chấp đất đai trong thực tế thì muôn hình vạn trạng ít có những trường hợp hoàn toàn giống nhau, tranh chấp về đất ao, vườn, rừng, đất ở, đất làm đường đi lối lại trong hoặc giữa các hộ gia đình với nhau; tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình với cơ quan nhà nước, với đơn vị tập thể, với các tổ chức, Doanh nghiệp sử dụng đất… Vì sự đa dạng, phức tạp trong tranh chấp đất đai mà pháp luật không thể điều chỉnh hết được, nên nhà nước luôn ưu tiên, khuyến khích giải quyết tranh chấp đất đai bằng biện pháp hòa giải. Luật Đất đai năm 2013 có Điều 202 với 5 khoản quy định cụ thể về hòa giải tranh chấp đất đai khi mà việc hòa giải tranh chấp không thành.

Từ thực tiễn giải quyết đơn thư khiếu nại đã nảy sinh một vấn đề cho người giải quyết khi mà giữa Luật đất đai và Luật khiếu nại chưa có sự tương thích, thống nhất.

Xin dẫn cụ thể như sau:

Điểm a khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Trường hợp tanh chấp giữa các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết…”, trường hợp này áp dụng thẩm quyền giải quyết của chính quyền (cấp huyện) khi mà UBND cấp xã thực hiện hòa giải không thành.

Trong khi hoạt động hòa giải ở UBND cấp xã được thực hiện bằng các hành vi hành chính của chính quyền, công chức cấp xã như gặp gỡ, đối thoại, vận động, ghi lại bằng biên bản… Các hành vi hành chính này của nhà nước không được một trong hai bên chấp nhận và phát sinh khiếu nại. Khi hành vi hành chính của công chức Nhà nước, cơ quan Nhà nước bị khiếu nại thì phải áp dụng Điều 1 và Khoản 1 Điều 2 của Luật Khiếu nại năm 2011 để xem xét, cụ thể là: Công dân đề nghị cấp có thẩm quyền, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình… Vụ việc nếu được xem xét lại được coi là giải quyết khiếu nại lần đầu.

Quy định trên của Luật Khiếu nại được hiểu gọn lại là: Quyết định hành chính, hành vi hành chính của ai bị khiếu nại thì người đó phải giải quyết lần đầu. Trong trường hợp tranh chấp đất đai do UBND cấp xã tổ chức thực hiện hòa giải có biên bản hòa giải không thành mà bị khiếu nại thì áp dụng Điều 17 Luật Khiếu nại năm 2011 để xác định thẩm quyền giải quyết cụ thể như sau: “Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); thủ trưởng cơ quan thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp”.

Thực tế ở Lào Cai hiện nay đã có một số vụ tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình, cá nhân với nhau, các vụ tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình, cá nhân với nhau, các vụ tranh chấp này đều được UBND cấp xã tổ chức hòa giải, có đầy đủ thủ tục theo quy định. Một trong các bên tranh chấp không đồng ý và khiếu nại đến UBND cấp huyện. Các vụ việc này đều được UBND cấp huyện thụ lý và giải quyết khiếu nại lần đầu, việc UBND cấp huyện giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai chỉ đúng trong trường hợp “tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này..”

Mặc dù tại Khoản 5 Điều 3 đã quy định: “Trường hợp Luật khác có quy định khác về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì áp dụng theo quy định của Luật đó”. Tuy nhiên việc xác định hai bên tranh chấp có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai là rất rộng và phức tạp. Mặt khác quy định có tính khái niệm về nguyên tắc xác định đối tượng và thẩm quyền tại Khoản 1 Điều 2 và Điều 17 Luật Khiếu nại nêu rõ rằng: Hành vi hành chính, quyết định hành chính của ai bị khiếu nại thì người đó phải có trách nhiệm giải quyết lần đầu.

Đối chiếu việc giải quyết tranh chấp đất như vấn đề nêu trên được hiểu là: UBND cấp xã có hành vi hành chính, quyết định hành chính (giải quyết tranh chấp đất đai qua hòa giải không thành) bị khiếu nại thì tự họ (cấp xã) không được “xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình”. Vô hình chung là bị mất thẩm quyền và trách nhiệm được quy định tại Điều 17 Luật Khiếu nại năm 2011./.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập