Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật Khiếu nại năm 2011

Ngay khi Nghị định hướng dẫn được ban hành, những tưởng mọi vướng mắc sẽ được tháo gỡ, song Nghị định lại chưa hướng dẫn nhiều nội dung, quy định. Có những nội dung không thực sự quá quan trọng nhưng tập trung hướng dẫn nhiều, dài dòng song vẫn thiếu, ví dụ như dành cả Chương III với 7 điều (trong số 30 điều hướng dẫn) chỉ để hướng dẫn qui định về xử lý chứ chưa phải giải quyết vấn đề nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung... Trong khi những người trực tiếp xử lý, giải quyết lại đang rất cần quy định chi tiết về những vấn đề cả mới và cũ đang đặt ra hàng ngày, hàng giờ trong công việc của họ gặp phải mà không biết xử lý ra sao cho đảm bảo thực tế và có căn cứ pháp luật để áp dụng.

Khoản 3, Điều 5, Luật Khiếu nại quy định "Nhà nước khuyến khích việc hòa giải tranh chấp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó". Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là sự chưa rõ ràng của "tranh chấp" mà quy định trong Luật Khiếu nại đề cập tới. Nếu hiểu phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại là khiếu nại và giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính, thì Luật Khiếu nại không được áp dụng giải quyết các tranh chấp khiếu nại hay tranh chấp giải quyết khiếu nại. Trên thực tế cũng thấy rằng hầu như tuyệt đối không có các tranh chấp này. Vậy phải chăng ở đây "Hòa giải khiếu nại" có nghĩa là trước khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì khuyến khích sự hòa giải giữa người khiếu nại với người bị khiếu nại. Những cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết khiếu nại rất cần sự hướng dẫn, quy định chi tiết những nội dung này. Thực tế quá trình giải quyết khiếu nại cơ sở chúng tôi vẫn áp dụng "Hòa giải khiếu nại" vì mục tiêu chung, nhưng phải vận dụng thủ tục hình thức rút khiếu nại khi vụ việc được hòa giải thành.

Tại khoản 3, Điều 6 của Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: "Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định" thực cũng là một cái khó. Nếu không tìm được từ nào thay thế cho từ "Ra quyết định" để phản ánh được rõ thì nên có hướng dẫn giải thích cụ thể như: nghiêm cấm việc ra quyết định chỉ dùng hình thức thông báo, văn bản kết luận, biên bản... có chứa nội dung quyết định mà không dùng văn bản bằng hỉnh thức quyết định. Có thể thấy, từ ngữ sử dụng trong khoản 3, Điều 6 của Luật Khiếu nại chưa thật rõ và dễ bị hiểu theo nhiều nghĩa không giống nhau.

Tại Điều 10, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: "Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại". Như vậy khi người khiếu nại có đơn rút khiếu nại thì người giải quyết "phải" đình chỉ việc giải quyết. Nhưng vướng mắc ở chỗ đình chỉ là một thủ tục được thực hiện bằng văn bản, quyết định hay chỉ là hành vi dừng lại không giải quyết? Điều này Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại vẫn chưa đề cập tới.

Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong quy định của Luật Khiếu nại, tuy nhiên, nội dung của Nghị định này lại chưa thực sự cụ thể và bám sát các quy định của Luật Khiếu nại. Do đó, thiết nghĩ thời gian tới rất cần có các lớp tập huấn chuyên đề về Luật Khiếu nại nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại trên toàn quốc nắm vững các quy định của Luật./.

(Nguồn Tạp chí Thanh tra Chính phủ số 12/2012)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập